Khởi nghiệp từ cuối thập niên 80, đến nay, tỷ phú đã thành lập 4 công ty, trong đó có Shanghai RAAS Blood Products với vốn hóa hơn 6 tỷ USD.
Hồi tháng 3, tỷ phú Mỹ gốc Việt – Hoàng Kiều đã được Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới với 1,65 tỷ USD. Hôm 17/9, ông lại xuất hiện trong top những người có tài sản tăng mạnh nhất thế giới, theo danh sách mới cập nhật của Forbes. Hiện ông sở hữu 2,8 tỷ USD và là người giàu thứ 627 hành tinh.
Tài sản của tỷ phú 70 tuổi này tăng vọt từ đầu năm nhờ giá cổ phiếu hãng sản xuất huyết tương Shanghai RAAS Blood Products đi lên trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Ông Hoàng Kiều hiện sở hữu 183,6 triệu cổ phiếu công ty này, tương đương 37% cổ phần.
Ông Hoàng Kiều hiện có 2,8 tỷ USD tài sản. Ảnh: BBC
Sinh ra tại Việt Nam, ông sang Mỹ định cư năm 1975 và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ). Tỷ phú này bắt đầu sự nghiệp tại phòng thí nghiệm của Abbott ở Newbury Park (bang California, Mỹ). Sau một thời gian, ông được quản lý phòng thí nghiệm đầu tiên về huyết tương đạt chuẩn của Cơ quan Thực phẩm – Dược phẩm Mỹ (FDA). Năm 1989, ông thành lập Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) và bắt đầu mua hàng loạt trung tâm huyết tương tại Mỹ.
Năm 1987, tỷ phú đầu tư sang Trung Quốc bằng cách hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải (Shanghai Blood Center). Năm 1992, sau nhiều năm phân phối albumin (protein quan trọng nhất trong huyết thanh) nhập ngoại, ông thành lập Shanghai RAAS Blood Products. Hãng chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các sản phẩm huyết học. Sản phẩm chính là albumin, immunoglobulin (một loại thuốc kháng thể) và các chất làm đông máu.
Ông Hoàng Kiều trong một lần đưa Miss Wolrd 2008 Ksenia Sukhinova tới Việt Nam.
Những năm sau đó, Hoàng Kiều tập trung nghiên cứu huyết tương, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm cho động thực vật và các dự án năng lượng. Hiện tại, ông là Chủ tịch kiêm CEO RAAS tại Mỹ và là Phó chủ tịch Shanghai RAAS Blood Products. Năm 2012, Shanghai RAAS Blood Products từng lọt top 200 doanh nghiệp vốn hóa dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á của Forbes.
Từ đầu năm, giá cổ phiếu hãng này đã tăng vọt do thị trường lạc quan vào ngành y tế. Bên cạnh đó, việc gần đây thiếu các vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) càng khiến nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu các công ty đang phát triển có hệ số lợi nhuận cao. Cuối tháng trước, Shanghai RAAS Blood Products cho biết lợi nhuận nửa đầu năm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 28 triệu USD. Doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD, một phần nhờ thâu tóm một doanh nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, từ tháng 6, cổ phiếu hãng này đã ngừng giao dịch để tái cấu trúc công ty, Forbes cho biết. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu của hãng là 63,3 NDT và vốn hóa đạt 38,57 tỷ NDT (6,2 tỷ USD).
Gần đây, ông còn nghiên cứu rượu vang đỏ và thành lập hãng sản xuất rượu tại thung lũng Napa (California, Mỹ) năm 2012. Đến nay, hãng đã sản xuất khoảng 10.000 chai rượu, chủ yếu bán cho thị trường Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Chớp thời cơ thị trường Trung Quốc liên tục gặp scandal vệ sinh an toàn thực phẩm, và nguồn cung sữa bột thiếu hụt do người tiêu dùng mất niềm tin vào các hãng trong nước, ông Hoàng Kiều còn lập hãng dinh dưỡng RAAS Nutritional năm 2013 với sản phẩm chính là sữa bột cho trẻ sơ sinh.
Lão luyện trong kinh doanh, Hoàng Kiều cũng làm cho mình nổi bật hơn khi gắn với các người đẹp nổi tiếng và đặc biệt ý tưởng đưa cuộc thi hoa hậu thế giới về Việt Nam tổ chức vào năm 2010 nhưng bất thành. Tiếng tăm trong nước của ông bị ảnh hưởng nặng nề sau những lùm xùm về mua bán cổ phần thiếu minh bạch, nợ tiền mua đất xây khu du lịch và địa điểm dự định tổ chức thi hoa hậu ở Tiền Giang.
Trích: Hà Thu – vnexpress